Doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực tìm hướng đi trong bối cảnh dịch Covid-19

Doanh nghiệp ngành gỗ nỗ lực tìm hướng đi trong bối cảnh dịch Covid-19

Trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ngành gỗ là một trong những ngành bị ảnh hưởng lớn, nhiều đơn hàng của các doanh nghiệp, hiệp hội gỗ bị tạm hoãn hoặc hủy do không thể xuất khẩu, công nhân phải giảm giờ làm, quy mô sản xuất bị thu hẹp… Để tháo gỡ khó khăn cho ngành gỗ trong giai đoạn hiện nay, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều giải pháp lớn, trong đó tập trung vào các giải pháp tháo gỡ khó khăn về chính sách cho doanh nghiệp... Đồng thời, các doanh nghiệp cũng tự thay đổi cách tiếp cận với khách hàng, phát triển theo hướng tăng cường bán hàng trực tuyến.

Ngành gỗ lao đao

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ (đồ gỗ) được coi là một trong những ngành công nghiệp mũi nhọn của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2020 dự kiến đạt 12 tỷ USD. Tuy nhiên, theo các doanh nghiệp ngành gỗ, đại dịch Covid-19 đã làm sụp đổ kỳ vọng về con số xuất khẩu nói trên khi bùng phát và hoành hành tại hầu hết các thị trường nhập khẩu quan trọng của Việt Nam.

Dịch Covid-19 đã làm cho việc vận chuyển nguồn nguyên liệu khó khăn hơn do những quy định hạn chế đi lại, cách ly xã hội trong nước và từ một số thị trường nhập khẩu nguyên liệu; nguồn cung nhân lực sụt giảm. Đồng thời, dịch Covid-19 cũng làm cho các chuỗi cung ứng xuất khẩu bị gián đoạn. Các đại lý tiêu thụ sản phẩm tạm đóng cửa, hoạt động vận chuyển không thể diễn ra, điều quan trọng nhất là việc người dân được khuyến cáo ở nhà nhiều hơn, hạn chế hầu hết các hoạt động mua sắm, nhất là các mặt hàng không thiết yếu như sản phẩm gỗ. Bên cạnh đó, dịch bệnh làm cho khách hàng gia tăng tiết kiệm, hạn chế chi tiêu đã đẩy doanh số bán hàng của các doanh nghiệp ngành gỗ sụt giảm trầm trọng. Trong khi các khoản chi phí nhân công, thuê nhà xưởng, nhất là tiền thuê mặt bằng trưng bày sản phẩm của các doanh nghiệp thường khá lớn, do đặc thù của sản phẩm gỗ đòi hỏi không gian đẹp, rộng rãi để thu hút khách hàng đến tham quan, mua sắm.

Ông Điền Quang Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội gỗ và lâm sản Bình Dương cho biết, đến thời điểm này, toàn bộ thị trường lớn như Hoa Kỳ, châu Âu... đều đã đóng băng. Bên cạnh đó, mặc dù dịch có dấu hiệu đã được kiểm soát tại Trung Quốc, nhưng thị trường xuất khẩu gỗ lớn thứ ba này của Việt Nam vẫn cần rất nhiều thời gian mới có thể khôi phục lại như trước.

Khảo sát của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest) thực hiện với 124 doanh nghiệp trong ngành vào cuối tháng 3/2020 cho thấy, 75% doanh nghiệp cho biết thiệt hại ban đầu ước tính khoảng 3.066 tỷ đồng, 50% phải thu hẹp quy mô sản xuất, đặc biệt, chỉ có 7% doanh nghiệp vẫn hoạt động bình thường. Dịch Covid-19 cũng làm cho các làng nghề giảm 80% hoạt động sản xuất, khoảng 50 - 60% xưởng xẻ sử dụng nguyên liệu gỗ rừng trồng trong nước phải ngừng hoạt động. Theo ông Ngô Sỹ Hoài, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Viforet, năm 2020, ngành gỗ đặt ra mục tiêu xuất khẩu đạt kim ngạch 12 tỷ USD, tuy nhiên với những tác động của dịch Covid-19, tăng trưởng trong xuất khẩu của ngành có thể bằng 0.

Đến hết quý II/2020, tình hình xuất khẩu sản phẩm gỗ có dấu hiệu khả quan hơn. Trong 7 tháng đầu năm 2020, giá trị xuất khẩu gỗ đạt 6,17 tỷ USD, đây là những nỗ lực rất lớn từ các doanh nghiệp ngành gỗ, tuy nhiên những khó khăn vẫn đang hiện hữu. Bên cạnh việc tiếp nhận các hỗ trợ từ phía Chính phủ, các hiệp hội và doanh nghiệp ngành gỗ đã có những bước đi sáng tạo nhằm thích nghi với tình hình, phát huy những điểm mạnh để duy trì hoạt động, vượt qua khó khăn. Trong đó việc đẩy mạnh giao thương trực tuyến đang được các doanh nghiệp coi là giải pháp hiệu quả nhất trong giai đoạn này nhằm nối lại sự đứt gẫy với các đại lý, người tiêu dùng.

Nỗ lực tìm kiếm giải pháp để duy trì hoạt động

Để thúc đẩy hoạt động tiêu thụ, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh việc bán hàng qua mạng, triển khai qua các website bán hàng trực tuyến như Lazada, Shopee, Tiki, Sen Đỏ… và đem lại hiệu quả tích cực. Cuối tháng 7/2020, Hội Mỹ nghệ và Chế biến thành phố Hồ Chí Minh (HAWA) đã cho ra mắt sàn thương mại điện tử (TMĐT) HOPE. Sàn HOPE sử dụng các thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0, ứng dụng các công nghệ tiên tiến, như công nghệ 3D giúp khách hàng có thể xem từ tổng thể đến chi tiết các sản phẩm. Sàn HOPE đóng vai trò là nền tảng triển lãm trực tuyến giúp các doanh nghiệp xuất khẩu đồ gỗ mở rộng cơ hội tiếp cận nhà mua hàng quốc tế thông qua công nghệ tiên tiến, ứng dụng tiếp thị số, TMĐT… Hiện sàn TMĐT có sự tham gia trưng bày của 80 doanh nghiệp, dự kiến đến cuối năm 2020 sẽ có tối thiểu 100 doanh nghiệp.

Theo ông Nguyễn Chánh Phương, Tổng thư ký kiêm Phó Chủ tịch HAWA, với không gian triển lãm trên HOPE, các nhà sản xuất và xuất khẩu của Việt Nam có thể giới thiệu trực tuyến sản phẩm, cửa hàng trưng bày, nhà máy của mình một cách trực quan, sống động. Khách tham quan có thể quan sát và di chuyển từ tổng thể mặt bằng cho đến chi tiết sản phẩm thông qua điện thoại di động, máy tính xách tay, máy tính bảng…. Bà Đinh Thị Hương Nga, Giám đốc Hương Nga Fine Arts cho biết, chỉ trong vòng 1 tháng giới thiệu cửa hàng trưng bày trên nền tảng HOPE, công ty đã nhận được hai hợp đồng đến từ Đức và Anh. Đây là những khách hàng đã từng tiếp cận với sản phẩm của công ty qua hình thức e-mail và website.

Thương mại điện tử cũng giúp doanh nghiệp có thể tiếp cận với những khách hàng cách xa về địa lý, mở rộng những thị trường tiềm năng mới, trong đó có EU. Hiện EU là thị trường nhập khẩu gỗ lớn thứ hai thế giới, nhu cầu tiêu dùng hằng năm đạt khoảng 80 - 85 tỷ USD. Trong khi đó, đồ gỗ nhập khẩu từ Việt Nam mới chỉ chiếm hơn 1% tổng nhu cầu nhập khẩu, tập trung ở các thị trường Anh, Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia. Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/8/2020, với những cam kết mở rộng thị trường mạnh mẽ, cam kết cắt giảm thuế nhập khẩu 100% biểu thuế trong lộ trình ngắn, rõ ràng đây cơ hội tốt để các doanh nghiệp gỗ Việt Nam phát triển mạnh mẽ hơn tại thị trường giàu tiềm năng này.

Việc chuyển đổi sang kinh doanh TMĐT không chỉ để kết nối, giao thương giữa doanh nghiệp sản xuất gỗ với khách hàng trong nước và quốc tế do ảnh hưởng của dịch Covid-19, mà còn là giải pháp đón đầu xu hướng thay đổi cách tiếp thị, kinh doanh trong nền kinh tế số, tận dụng lợi thế về công nghệ để tìm kiếm khách hàng và phát triển thị trường mới trên toàn cầu. Tuy nhiên, việc này đòi hỏi các doanh nghiệp cần cải thiện thiết kế sản phẩm, xây dựng thương hiệu và có chính sách phát triển mạnh mẽ hoạt động TMĐT.

Theo TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh, ngành gỗ cần đẩy mạnh việc áp dụng công nghệ số, chuyển đổi mô hình kinh doanh online hay tìm kiếm thị trường mới. Các doanh nghiệp tập trung vào sản xuất các mặt hàng thiết yếu hoặc gắn thêm vào sản phẩm các tính năng cần thiết trong giai đoạn dịch bệnh. Việc này đòi hỏi các doanh nghiệp phải chú trọng vào xây dựng thương hiệu, nâng cấp hệ thống cung cấp thông tin (website, thu thập dữ liệu khách hàng…) để tăng cường khả năng tiếp cận khách hàng. Với đặc thù mặt hàng gỗ là cồng kềnh và thường bán cả bộ sản phẩm, do đó việc bán lẻ qua kênh trực tuyến đòi hỏi các thiết kế đơn giản giúp người mua tự lắp ráp, giá bán sản phẩm ở mức bình dân.

Các doanh nghiệp cần chú trọng hơn vào thị trường trong nước thay vì tập trung sức cho xuất khẩu. Với việc bùng nổ của thị trường bất động sản, trong 5 năm qua, có khoảng 400 - 500 nghìn căn hộ nhà phố, chung cư cao cấp ra đời, do đó nhu cầu về sản phẩm gỗ cũng tăng nhanh. Theo HAWA, hiện mỗi căn hộ sử dụng ít nhất 100 - 200 triệu đồng cho phần nội thất, ốp sàn; chỉ riêng với đồ gỗ, vật liệu ốp sàn nhu cầu tiêu dùng bình quân ở Việt Nam là 21 USD/người/năm; quy mô tiêu thụ đồ gỗ nội thất, vật liệu ốp sàn năm 2019 đạt 4 tỷ USD. Bên cạnh đó, việc Chính phủ đẩy mạnh việc mua sắm công đồ gỗ phục vụ các dự án công trong giai đoạn hiện nay là cơ hội lớn cho các doanh nghiệp sản xuất và chế biến gỗ.

Chia sẻ:
Bài viết khác:
Zalo
Hotline