(ĐTCK) Ngành công nghiệp gỗ tre trên thế giới có giá trị hơn 70 tỷ USD nhưng Việt Nam - quốc gia gắn nhiều với hình ảnh cây tre - lại gần như chưa có tên trên bản đồ của ngành. Đó là điều khiến nhiều người tâm huyết với cây tre luôn trăn trở.
Con đường dẫn vào bản Ôn, huyện Quan Hóa, tỉnh Thanh Hóa ngoằn ngoèo, chủ yếu là đường đất nhỏ hẹp được phủ một màu xanh bạt ngàn của tre. Nơi đây là thủ phủ của cây tre luồng, nhưng nhiều vạt tre quá tuổi không được khai thác đã trở nên vàng úa.
Anh Cường, người bản địa kể rằng, đây vốn là vùng đất nghèo nhất Thanh Hóa, người dân không trồng được gì ngoài cây tre. Trước đây, người trồng tre chủ yếu bán cho các tiểu thương làm đũa và một số đồ thủ công mỹ nghệ, thu nhập chẳng đáng là bao.
Nhưng gần 2 năm trở lại đây, cuộc sống của bà con đã có nhiều đổi khác, chủ yếu là nhờ bán tre “được giá” hơn cho một số doanh nghiệp như Công ty cổ phần BWG Mai Châu tổ chức vùng phát triển rừng bền vững theo quy định của Hội đồng Quản lý rừng (FSC) và tổ chức sản xuất gỗ tre công nghiệp .
Cây tre có đặc điểm khá đặc biệt, khi đến tuổi khai thác, càng được khai thác nhiều càng đâm chồi khỏe và lên mạnh. Với giá thu mua khoảng 800 đồng/kg mà Công ty BWG Mai Châu đang áp dụng cho người dân tham gia vùng trồng theo tiêu chuẩn FSC, mỗi hộ dân hiện có thu nhập từ 500.000 - 1.000.000 đồng/ngày.
Khoản thu nhập này đã giúp nhiều gia đình sắm sanh được xe máy, sửa sang cải tạo nhà cửa mà không còn phải lo chạy ăn từng bữa như trước kia. Người dân gọi vui là hiện giờ đã có cây ATM tre. Bản Ôn hàng ngày có 10 chuyến xe chở tre về nhà máy.
Ông Nguyễn Trọng Nghĩa, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư Sao Thái Dương (SJF), công ty mẹ của BWG Mai Châu cho biết, cho đến nay, với sự hỗ trợ của Tổ chức Oxfam tại Việt Nam, Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) và các đối tác trong Dự án “Phát triển bền vững và toàn diện chuỗi giá trị nghêu và tre ở Việt Nam” (SCBV) do Liên minh châu Âu (EU) tài trợ, Công ty đã phối hợp với người dân xây dựng vùng trồng đạt chuẩn FSC trên diện tích 3.000 ha, dự kiến năm 2022 và các năm tiếp theo sẽ phát triển thêm 3.000 ha nữa.
Tham gia vùng trồng, người dân được đào tạo khai thác, trồng và chăm sóc theo các tiêu chuẩn bền vững, được bao tiêu đầu ra. Để có vùng phát triển bền vững này, Công ty đã cùng các chuyên viên dự án đi từng hộ để phổ biến, ký kết hợp tác, ròng rã suốt 3 năm qua.
FSC với bộ 10 nguyên tắc và 56 tiêu chí được dùng làm cơ sở đánh giá việc quản lý rừng và sử dụng các sản phẩm từ rừng của các chủ rừng và các đơn vị sản xuất. Chứng chỉ FSC là chìa khóa để BWG cùng các sản phẩm tre luồng Quan Hóa tiếp cận các thị trường cao cấp nhưng khó tính như châu Âu và Bắc Mỹ.
Khát vọng thép xanh ảnh 1
Cây tre đang trở thành cây “xóa đói giảm nghèo” cho bà con nông dân Quan Hóa, Thanh Hóa. Ảnh: Tổ chức Oxfarm tại Việt Nam.
Sở dĩ tre được thu mua với giá ổn định và số lượng lớn, tăng cao hơn trước là nhờ BWG đã thay đổi chiến lược sang sản xuất phôi gỗ tre và các sản phẩm tre công nghiệp từ gần 2 năm nay, giảm tỷ trọng hàng gia dụng sản xuất gia công theo đơn đặt hàng của các nhà bán lẻ nước ngoài như Ikea (Nhật Bản).
BWG Mai Châu được thành lập năm 2014, hiện là một trong các nhà máy sản xuất tre công nghiệp có quy mô lớn nhất Việt Nam, với công suất thiết kế tấm tre ép đạt 120.000 m3/năm và đã hoàn thiện đầu tư giai đoạn 1, với công suất 30.000 m3/năm.
Từ năm 2020, Công ty đã hoàn thiện nghiên cứu phát triển sản phẩm tấm lót đường tre và đi vào sản xuất xuất khẩu sang các thị trường Canada và châu Âu. Đây là một trong những sản phẩm chủ lực của SJF trong những năm tới.
Theo thông lệ, các nước trên thế giới sản xuất sản phẩm này bằng gỗ cứng, nhựa, thép, nhưng duy nhất BWG của Việt Nam sản xuất bằng nguyên liệu tre. Doanh thu của sản phẩm này trên thế giới là 50 tỷ USD/năm.
2 Có lợi thế nguyên liệu từ các vùng khai thác đạt chuẩn, sản phẩm của Công ty đáp ứng được các tiêu chuẩn phát triển bền vững để xuất khẩu sang những thị trường khó tính nhất.
Ông Nghĩa cho biết thêm, Công ty đã hợp tác với Tập đoàn Hòa Phát trong suốt năm vừa qua và hiện tại đang trong giai đoạn kiểm nghiệm lần 3 sản phẩm ván sàn container. Doanh nghiệp cũng đã lập kế hoạch đầu tư nhà máy mới tại Thanh Hóa để sản xuất ván lót sàn container và nhà máy ván dăm, sản xuất gỗ tre sử dụng trong xây dựng dân dụng, xuất khẩu sang Mỹ.
Một số nhà phân phối vật liệu xây dựng lớn của Mỹ như Home Depot đang đàm phán để nhập khẩu nguyên liệu thân thiện với môi trường này về bán trong hệ thống của mình.
Với sự hỗ trợ của khoa học kỹ thuật, ngành tre công nghiệp Việt Nam đang từng bước vươn lên mạnh mẽ. Tre được dùng làm gỗ, ván cho đến vách ngăn, tường nhà và trong nhiều thể loại công trình khác nhau từ hạ tầng công cộng cho tới dân dụng, mang lại giá trị kinh tế cao.
Các sản phẩm làm từ tre công nghiệp có đặc tính cơ lý hoá thay thế được gỗ tự nhiên hay nhựa, thép, an toàn cho người sử dụng, thân thiện với môi trường, tạo nhiều mẫu mã và độ bền cao, giá cả hợp lý... Vì thế, tre được coi là “thép xanh” và lựa chọn thay thế cho các sản phẩm gỗ đang dần bị khai thác cạn kiệt.
“Sản phẩm tre đang được ưa chuộng và tiêu thụ rộng rãi trên thị trường thế giới. Đây là tín hiệu vui cho bà con nông dân các vùng trồng tre”, ông Nghĩa nói và cho biết thêm, theo kế hoạch, nửa đầu năm 2022, doanh nghiệp sẽ triển khai việc đầu tư nhà máy mới tại Thanh Hóa.
“Cây tre Việt Nam có đặc tính cứng hơn nhiều so với tre Trung Quốc nên thích hợp cho việc chế biến gỗ tre phục vụ các ngành sản xuất công nghiệp. Chỉ có sản xuất công nghiệp, sử dụng công nghệ và máy móc hiện đại trong sản xuất mới gia tăng được sản lượng và giá trị sản phẩm”, ông Nghĩa trao đổi.
Trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19, rất nhiều doanh nghiệp phải đóng cửa và sản xuất cầm chừng, BWG đã nỗ lực duy trì nhà máy sản xuất. Không chỉ giữ được 100% công ăn việc làm cho người lao động, Công ty còn tuyển dụng thêm, tạo nguồn thu nhập cho bà con nông dân trong lúc nền kinh tế vô cùng khó khăn.
Mô hình kinh doanh của BWG với sự hỗ trợ của Dự án SCBV đang đóng góp tích cực vào công cuộc xóa đói giảm nghèo của địa phương, tích hợp việc giải quyết thách thức xã hội với quá trình tạo ra giá trị kinh tế của doanh nghiệp.
Hàng năm, Việt Nam tiêu thụ khoảng 400 - 500 triệu cây tre luồng cho các ngành sản xuất và xuất khẩu.
Tuy nhiên, để nâng cao hơn chuỗi giá trị từ cây tre và góp phần phát triển bền vững, phát triển xanh nền kinh tế, rất cần thêm những hướng đi mới để gia tăng quy mô và công suất các sản phẩm gỗ tre công nghiệp, thúc đẩy xuất khẩu và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu. Có như vậy, ngành thép xanh của Việt Nam mới kỳ vọng sớm có tên trên bản đồ thế giới.